Tại Hà Nội, năm 2018, chị Văn Thị Ngọc bàn với chồng biến sân thượng 50 m2 nhà mình ở Bắc Từ Liêm thành khu vườn, làm quà sinh nhật một tuổi cho con gái út, bé Đậu Đậu.
“Tôi muốn con được ăn rau sạch và quan trọng nhất là được trải nghiệm một không gian dân dã, dẫu ở thành phố chật chội”, chị Ngọc, 40 tuổi, nói.
Để có đất làm vườn, chị Ngọc phải đi xin và mua khắp nơi, đóng thành từng bao nhỏ, dùng sức người mỗi ngày cõng khoảng chục bao lên tầng 6. Ngày nghỉ, chị được chồng, con trai và cháu phụ giúp. Sau hơn một tháng, việc chuyển đất lên sân thượng mới hoàn thành.
Do chưa có kinh nghiệm nên khi đó chị Ngọc chỉ biết đổ đầy đất vào các luống, chậu rồi trồng cây, không biết cách trừ sâu bệnh, chọn giống nên rau còi cọc, sâu rệp nhiều. Năm đầu tiên, chị trồng bắp cải nhưng chỉ thu được cây to nhất bằng nắm tay.
Chán nản vì thất bại ngay lần đầu, chị Ngọc đã định bỏ cuộc nhưng khi nghĩ đến lý do mình là vì con, chị lại quyết tâm và lên các hội nhóm làm vườn sân thượng để học kinh nghiệm.
Sau vài tháng, chị mới biết cách trộn giá thể, hiểu thế nào là nông nghiệp hữu cơ, thế nào là giống bản địa, giống lai tạo, giống nào không nên trồng. Chị cũng dần thành thạo cách tưới nước, bón phân, làm thuốc trừ sâu sinh học.
Từ ngày có kiến thức, cây cối bắt đầu xanh tốt. Sau vài tháng các loại rau đã phủ kín và biến sân thượng thành một mảng xanh. Chị Ngọc trồng các loại rau mùa nào thức đấy. Ngoài ra, vườn có một số cây ăn quả như ổi, chanh, nho, các loại dưa vàng, dưa lê…
“Để rau trái phát triển tốt thì phải đủ nắng, giá thể tơi xốp. Đất có xốp, rễ mới phát triển mà luồn lách đi tìm thức ăn”, chị nói và chia sẻ thường thêm tro, vỏ lạc đập dập, xơ dừa, vỏ trứng nghiền, phân dơi, phân dê đã qua xử lý vào đất cho tơi xốp.
Thấy con gái Đậu Đậu thích dâu tây, chị dành gần chục chậu nhựa để trồng. Ở góc vườn, chị cũng trồng gần chục cây hoa hồng, hoa cúc, cẩm tú cầu… Thời tiết Hà Nội nóng nên các loại cây như dâu tây, cẩm tú cầu chỉ nở hoa, ra quả vào mùa đông.
Vườn nhà chị Ngọc hiện có hơn chục cây cà chua Cherry yurii ang lúc lỉu trái. Trước khi vào vụ mới, chị cho đất nghỉ một tháng, để cỏ mọc rồi mới xới đất, làm cỏ, rải vôi nông nghiệp, đảo đều rồi phơi một tuần. Đất sau đó được ủ với hỗn hợp gồm: phân gà viên Nhật Bản, phân bò đã qua xử lý, cám gạo, bột đậu nành, vỏ trứng nghiền, gói men vi sinh.
Mười ngày sau khi ủ đất, chị xuống giống cây con. Cây bén rễ, mỗi tuần được tưới luân phiên dung dịch hữu cơ hai lần: phân chuối trứng sữa, dịch đạm cá rong biển/tôm. Khi quả sắp chín, chị bổ sung phân chuối trứng sữa.
Chị đã trồng được hai vụ dưa thử nghiệm mùa hè năm ngoái. Vì diện tích nhỏ lại trồng nhiều loại rau quả nên chị chỉ trồng chục cây. Dưa trồng hữu cơ 100%, cách bón phân tương tự cà chua. “Quả tuy không to nhưng rất ngọt và thơm”, chị nói.
Trên giàn, ngoài các loại cây leo giàn như dưa, cà chua, bầu, bí, lặc lè, chị Ngọc trồng nho. Các con chị được cùng mẹ gieo giống, trồng cây, tưới nước mỗi ngày. Vì vậy, được thưởng thức những quả nho chín tím biếc do chính tay mình chăm bón, bé nào cũng hào hứng.
Trên vườn, cải kale chiếm phần lớn diện tích. Chị Ngọc thường làm sinh tố từ cải này cho gia đình để thanh lọc cơ thể, phát triển trí não.
Khi Covid-19 bùng phát, vườn sân thượng là cứu tinh của gia đình chị Ngọc. Bé Đậu Đậu và các anh chị thi thoảng lại kéo nhau lên vườn hái hoa, thu hoạch quả, không màng đến điện thoại, TV. Bé cũng biết nhiều loài rau, quả, biết chúng không mọc từ siêu thị.
Khu vườn không những cho gia đình rau quả bốn mùa tươi ngon mà còn là nơi mà cả gia đình cùng nhau vui đùa mỗi khi rảnh rỗi. “Đối với tôi, rau quả không những là thực phẩm đơn thuần, mà nó còn là những phương thuốc tự nhiên giúp mình khỏe cả thể chất lẫn tinh thần”, chị Ngọc nói.
(Theo VNExpress)