Thời gian gần đây, việc sử dụng tường gạch không trát (tường gạch trần) trong thiết kế nội – ngoại thất đang được nhiều gia đình Việt yêu thích và lựa chọn bởi những ưu điểm nổi trội cả về mặt công năng lẫn tính thẩm mỹ mà nó mang lại cho không gian sống của bạn. Ngay sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về xu hướng thiết kế này.
Tường gạch không trát, nhất là gạch đỏ hiện được sử dụng khá rộng rãi trong các thiết kế nhà ở, sân vườn, quán cà phê, khách sạn… Đây là xu hướng kiến trúc hiện đại, mang đến cho ngôi nhà vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc, gần gũi mà vẫn rất ấn tượng, có nét độc đáo riêng.
Tường gạch trần trông có vẻ đơn giản nhưng không hề dễ dàng khi áp dụng cách trang trí này cho nhà ở. Muốn kiểu tường này phát huy tối đa công năng và tính thẩm mỹ, bạn cần có cái nhìn tổng quan về nó, bao gồm đặc tính, những lưu ý về kỹ thuật xây dựng, chống thấm, ứng dụng cho từng khu vực chức năng cụ thể…
1. Gạch không trát là gì?
Sử dụng gạch trần để xây tường đã có từ rất lâu. Từ thời trung cổ, con người đã áp dụng phương thức xây tường gạch không trát. Gạch được thiết kế theo hình khối vừa phải, với các cạnh vuông vắn ở phía mặt gạch, không có họa tiết trang trí. Tường gạch không trát được xây theo mạch vữa mà không trát.
Gạch block và gạch tuynel là 2 loại gạch xây không trát phổ biến nhất hiện nay. Trong đó, gạch tuynel được cấu thành từ chất liệu đất sét, các khối đất sét trước khi được đưa vào sản xuất phải được ngâm, ủ kỹ lưỡng theo một khung thời gian nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng thành phẩm. Loại gạch màu đỏ này được dùng để trang trí không gian nội thất như phòng ăn, phòng khách, phòng làm việc, quán cà phê…
Gạch block là gạch xi măng cốt liệu được sản xuất bằng các nguyên liệu chính là đá mi, tro bay, xỉ than kết hợp với cát, xi măng, chất kết dính cường độ cao như sika… Chúng thường chỉ được sử dụng để xây tường rào, khoảng sân, giếng trời…
Nguyên liệu để làm gạch không trát là đất sét dẻo chất lượng cao. Đất sét được ngâm ủ trong vòng 4-5 tháng để có độ bền chắc, sau đó đóng khuôn theo hình dạng mong muốn, ủ và phong hóa rồi cho vào lò nung với nhiệt độ cao. Gạch thành phẩm đảm bảo độ cứng và chịu lực cao. Bạn có thể sử dụng loại gạch xây nhà, trang trí nội – ngoại thất mà không cần phải trát hay ốp tường.
2. Vì sao tường gạch không trát trở thành xu hướng thiết kế được yêu thích hiện nay?
Với những ưu điểm nổi trội sau đây, tường gạch không trát ngày càng được sử dụng phổ biến trong thiết kế, trang trí nội – ngoại thất nhà ở, khách sạn, nhà hàng, thậm chí cả không gian văn phòng.
Tường gạch không trát có độ bền cao
Với quy trình sản xuất hiện đại, lựa chọn nguyên vật liệu nghiêm ngặt, gạch không trát đạt các chỉ tiêu về chất lượng như Tiêu chuẩn Việt Nam về gạch rỗng đất sét nung, có khả năng chịu lực cao, chống thấm nước tốt, góp phần tạo nên độ bền chắc cho tổng thể kết cấu của công trình. Mặt khác, dòng gạch này còn có khả năng cách nhiệt, cách âm hiệu quả, phù hợp với điều kiện khí hậu nắng nóng và ô nhiễm tiếng ồn ở môi trường đô thị hiện nay.
Nâng cao tính thẩm mỹ cho công trình
Kiểu dáng gạch xây không trát không cầu kỳ, tông màu không quá sặc sỡ và dễ dàng kết hợp với thiết kế tổng thể ngôi nhà, tạo cảm giác hài hòa, thân thuộc. Tường gạch trần tuy có thể không gây ấn tượng mạnh ngay từ ánh nhìn đầu tiên nhưng càng ngắm lâu, ngắm kỹ càng thấy được vẻ đẹp mộc mạc, ngọt ngào, ấm áp mà nó mang lại. Loại gạch này sẽ không bị phai màu theo thời gian, càng để lâu thì gạch càng mang vẻ cổ kính, phong trần tạo điểm nhấn độc đáo cho không gian sống.
Tiết kiệm chi phí xây dựng
Do tích hợp công đoạn xây và trát nên khi xây tường gạch không trát, gia chủ có thể tiết kiệm đáng kể chi phí cho các bước trát vữa, sơn tường hay ốp lát cũng như giúp rút ngắn thời gian thi công công trình nhà ở.
Mặt khác, giá thành gạch không trát cũng rất phải chăng. Thị trường hiện có rất nhiều loại gạch xây không trát với các mức giá khác nhau cho bạn thỏa sức lựa chọn theo nhu cầu, mục đích sử dụng. Nhìn chung, giá gạch trần rẻ hơn nhiều so với các loại gạch ốp lát khác.
3. Xây tường gạch không trát cần lưu ý gì?
Mặc dù việc thi công xây dựng tường gạch trần là công việc của nhà thầu, đội thợ nhưng gia chủ cũng nên có cái nhìn toàn cảnh về vấn đề này để có thể theo dõi, giám sát quá trình thi công, nhằm đảm bảo hiệu quả chất lượng cao nhất. Theo đó, đối với tường gạch không trát, bạn cần lưu ý những vấn đề sau đây:
Chọn gạch phù hợp với từng không gian
Chọn gạch là khâu đầu tiên và vô cùng quan trọng khi thi công tường gạch trần. Bởi lẽ, nó quyết định đến tính bền chắc cũng như vẻ đẹp của tổng thể công trình. Khi lựa chọn gạch xây không trát, gia chủ cần xác định rõ việc gạch sẽ được sử dụng cho không gian chức năng nào trong nhà ở: Là phòng khách, bếp – ăn, phòng ngủ hay phòng làm việc. Nếu tự tin, không thể lựa chọn được, bạn nên nhờ đơn vị cung cấp hoặc chuyên gia, người có chuyên môn kinh nghiệm hỗ trợ, tư vấn.
Tường gạch không trát cũng cần có màu phù hợp với phong cách thiết kế kiến trúc, nội thất của ngôi nhà. Bạn cũng có thể lựa chọn màu gạch theo tính cách, sở thích của gia chủ nhưng cần đảm bảo sự hài hòa với tổng thể. Cũng không nên lạm dụng quá nhiều gạch xây không trát vì rất dễ khiến công trình trở nên nặng nề. Thay vào đó, chỉ nên sử dụng gạch xây không trát cho một vài mảng tường điểm nhấn ở phòng khách, nhà bếp, lối hành lang…
Đo góc thật chuẩn
Trước khi tiến hành thi công xây tường gạch trần, đội thợ cần dùng thước đo căn các góc thật chuẩn xác. Bằng không, trong quá trình xây dựng dễ bị méo, lệch tường, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới cấu trúc tổng thể của ngôi nhà.
Thi công cẩn thận và tỉ mỉ
Về cơ bản, các công đoạn thi công tường gạch trần không khác quá nhiều so với xây tường bằng các loại gạch thông thường khác. Việc xây tường gạch không trát vì thế cũng khá đơn giản. Tuy nhiên, nếu trong quá trình xây dựng để xảy ra sai sót thì thẩm mỹ tổng thể của căn nhà sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí trở nên thô kệch, thiếu hài hòa. Do đó, bạn cần lựa chọn được đơn vị thi công uy tín, cẩn thận và tỉ mỉ để bắt trúng mạch vữa, sao cho những viên gạch được gắn vuông vắn, đẹp mắt nhất.
Kiểm tra lại toàn bộ sau khi hoàn thiện
Thông thường, thợ thi công sau khi hoàn thiện tất cả các bước trên sẽ phải tiến hành kiểm tra lại toàn bộ phần gạch đã xây xem đã đáp ứng các tiêu chí chưa. Cùng với đó, phải lấy cán bay để lọc hết những phần vữa thừa để tránh gây mất thẩm mỹ cho tường gạch trần về sau. Cuối cùng, cần để tường gạch khô tự nhiên.
Tạo sự hài hòa với tổng thể không gian
Sự hài hòa với tổng thể không gian là điều vô cùng quan trọng đối với việc thiết kế, thi công tường gạch trần. Muốn vậy, bạn cần chú ý tới màu sắc, kiểu dáng của đồ nội thất. Tường gạch không trát có thể kết hợp với nội thất có kiểu dáng khác nhau, từ những mẫu sofa hiện đại đến bộ bàn ghế gỗ mộc mạc, đơn giản. Mảng tường ốp gạch trần ấm áp tương phản với đồ kim loại sáng bóng và lạnh trong phòng bếp tạo sự cân bằng cho không gian.
Với những mảng tường còn lại, gia chủ nên sơn màu vàng, nâu hoặc kem để làm nền cho tường gạch thô càng thêm nổi bật, tạo điểm nhấn hút mắt ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bạn có thể trang trí thêm cho tường gạch không trát bằng những chậu hoa, cây cảnh chất liệu gốm hoặc tranh sơn dầu.
Lưu ý, gạch trần rất kỵ ánh sáng trắng bởi nó sẽ phá vỡ không khí ấm áp, cổ điển của không gian. Thế nên, bạn hãy chọn đèn có ánh sáng vàng để căn phòng thêm ấm cúng và gần gũi.
Chống thấm cho tường gạch không trát
Bề mặt của tường gạch trần gồ ghề, không phẳng nên khả năng thoát nước, bay hơi nước bề mặt không tốt. Do đó, nếu tiếp xúc lâu với nước, kiểu tường này dễ bị ẩm bề mặt, nhất là ở những nơi thiếu nắng gió. Tuy nhiên, trên thực tế, tường gạch không trát có thấm hay không phụ thuộc vào 3 yếu tố là chất lượng gạch (vật liệu chính); chất lượng xi măng, vữa (chất kết dính) và tay nghề của thợ thi công.
Tường gạch trần dễ bị thấm trong các trường hợp sau:
– Gạch xây không trát xốp, có nhiều lỗ rỗng
– Vữa không đủ cường độ, thiếu chất phụ gia chống thấm.
– Thợ thi công không cẩn thận, mạch vữa không kín, không đều.
Giải pháp xử lý chống thấm cho tường gạch trần như sau:
– Không để tường gạch trần tiếp xúc với nước. Muốn vậy, bạn nên xây tường gạch không trát để trang trí trong nhà. Còn nếu xây ở những vị trí tiếp giáp với không gian ngoài trời thì nên bố trí mái hiên nhằm hạn chế nước mưa gây ẩm, thấm vào tường.
– Sử dụng gạch có chất lượng cao, độ xốp nhỏ, vừa và xi măng hoặc keo trộn chất phụ gia chống thấm.
– Sử dụng chất ngăn thấm, chống thấm từ bên ngoài như trát vữa, sơn phủ bề mặt, phun hóa chất chống thấm.
– Thuê đội thợ thi công uy tín, lành nghề xây tường gạch trần.
– Chấp nhận hiệu ứng thấm nước của tường gạch trần bằng cách tạo môi trường cho các loại cây xanh (cây dây leo) phát triển, trang trí thêm bể cá, tiểu cảnh, non bộ… giúp không gian sống trở nên sinh động, ấn tượng hơn.
4. Tường gạch không trát cho từng không gian chức năng
Tường gạch trần cho mặt tiền ngôi nhà
Với tường gạch không sơn trát, mặt tiền ngôi nhà sẽ trở nên khác biệt, không còn nhám chán, đơn điệu với tường sơn trắng, vàng, kem như thông thường. Đặc biệt, tường gạch mộc ở mặt tiền là giải pháp thông minh để nhà phố, nhà ống nhỏ hẹp nổi bật, độc đáo hơn so với các công trình xung quanh.
Những viên gạch mộc được xếp đặt lên nhau để tạo ra những khoảng hở vừa đủ lấy gió, đón sáng tự nhiên cho không gian sinh hoạt bên trong nhà mà vẫn đảm bảo tính riêng tư thiết yếu.
Gia chủ có thể sử dụng gạch xây không trát để ốp trang trí một khoảng tường xen giữa các vật liệu hoàn thiện khác như sơn, kính, kim loại. Bạn nên giữ nguyên màu sắc nguyên bản của loại gạch này khi ốp lát trang trí mặt tiền nhà.
Tường gạch trần trong phòng khách
Một bức tường gạch không trát trong phòng khách sẽ trở thành tiêu điểm hút mọi ánh nhìn, khiến căn phòng trở nên ấn tượng hơn. Đó có thể là bức tường gắn tivi hoặc tường phía sau ghế sofa.
Với màu sắc tự nhiên, gạch đất nung dễ dàng phối kết với hầu hết các tông màu khác. Nếu phòng khách có diện tích khiêm tốn, bạn nên sử dụng màu sáng cho toàn bộ các bức tường còn lại, giúp tường gạch trần thêm phần nổi bật mà không làm căn phòng bị tối hay tạo cảm giác bí bức.
Tường gạch trần trong phòng bếp, phòng ăn
Gạch ốp lát trang trí phòng bếp hiện rất đa dạng và phong phú về kiểu dáng, màu sắc, họa tiết, chất liệu… với nhiều mức giá khác nhau để bạn lựa chọn. Trong đó, gạch xây không trát vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Đây cũng là xu hướng thiết kế nội thất phổ biến, được ưa chuộng hiện nay.
Màu nguyên bản của gạch mộc cũng đủ để mang lại cho phòng bếp – ăn cảm giác ấm cúng, gần gũi. Đặc biệt, chúng phù hợp với không gian bếp phong cách Scandinavian, Retro, tân cổ điển, công nghiệp…
Thông thường, tường gạch không trát sẽ được bố trí ở phía sau bồn rửa và bếp nấu. Gạch mộc là vật liệu hoàn hảo để làm nổi bật những mảng tường này trong phòng bếp.
Tường gạch trần trong phòng ngủ
Phòng ngủ là không gian chức năng vô cùng quan trọng, nơi bạn dành tới 1/3 thời gian cuộc đời ở đó, nơi tái tạo năng lượng sau một ngày làm việc vất vả. Theo đó, những điểm nhấn nổi bật như tường gạch trần sẽ giúp kích thích năng lượng tốt cho chủ nhân căn phòng. Chất liệu gạch nung không chỉ tạo cảm giác ấm áp mà còn dễ kết hợp với những vật dụng khác như thảm trải sàn, chăn, ga gối, rèm cửa…
Với tường gạch không trát trong phòng ngủ, bạn có thể trang trí thêm khung ảnh nhỏ xinh, tranh treo tường nghệ thuật và gắn đèn ngủ phản chiếu một góc tường nhẹ nhàng, tinh tế.
Tường gạch trần trong phòng làm việc
Mảng tường gạch không sơn trát, mộc mạc, tự nhiên sẽ góp phần khơi nguồn cảm hứng cho người làm việc trong căn phòng đó. Bạn có thể sử dụng tường gạch trần ở phía sau ghế ngồi, giá sách hoặc bàn làm việc. Tuy nhiên, tùy vào diện tích phòng, ánh sáng tự nhiên để xác định mảng tường gạch dài rộng bao nhiêu cho phù hợp, đảm bảo sự hài hòa với tổng thể chung.
Tường gạch trần ở mặt sau, tường rào
Cũng giống như mặt tiền, mặt sau của ngôi nhà và tường rào có thể được thiết kế hoàn toàn bằng gạch mộc. Điều này sẽ mang lại vẻ đẹp mộc mạc, vững chãi và độc đáo cho ngoại thất công trình. Tuy vậy, cũng nên căn cứ vào hiện trạng khu đất, bối cảnh xung quanh để quyết định có nên sử dụng gạch trần cho mặt sau, tường rào hay không.
Với những thông tin chia sẻ trên đây, hẳn bạn đọc đã có được cái nhìn tổng quan về tường gạch không trát trong thiết kế nội – ngoại thất nhà ở. Từ đó, có thêm ý tưởng trang trí, tạo điểm nhấn cho không gian sống của mình.
Nguồn sưu tầm.