Nứt tường là hiện tượng phổ biến khi xây dựng, các vết nứt tường ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có những nguy cơ đe dọa kết cấu của ngôi nhà. Không chỉ những căn nhà lâu năm hay đã xuống cấp mới xuất hiện những vết nứt mà ngay cả những ngôi nhà mới hoàn thiện xong cũng có những dấu hiệu này. Quý khách đang lo lắng và loay hoay tìm cách giải quyết vì ngôi nhà mới của mình có những vết nứt? Hãy cùng chúng tôi lắng nghe sự chia sẻ từ ông Lĩnh Phạm – Đồng sáng lập kiêm Giám Đốc khối Xây dựng của VieHome. Là kỹ sư Đại học Bách Khoa với hơn 15 năm kinh nghiệm thi công các công trình, ông Lĩnh Phạm có nhiều tâm đắc trong công tác thi công công trình.
Chào Ông Lĩnh. Thông thường, một ngôi nhà phải được đưa vào sử dụng một thời gian dài mới có các hiện tượng xuống cấp như nứt tường, bong tróc sơn, sụt lún… Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trường hợp nhà mới xây cũng bị nứt tường. Vậy xin Ông cho biết đâu là đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này?
Xin chào Quý vị! Như chúng ta đều đã biết nứt tường là hiện tượng phổ biến khi làm nhà. Không riêng gì những căn nhà lâu năm hay bị xuống cấp mà ngay cả nhiều căn nhà mới đưa vào sử dụng một thời gian cũng bị gây tâm lý hoang mang và khó chịu cho Chủ đầu tư và gia đình. Có thể phân 2 loại nguyên nhân: một là do yếu tố tự nhiên như do thời tiết, sử dụng lâu năm bị xuống cấp; hai là do kỹ thuật thi công chưa đạt yêu cầu.
Yếu tố tự nhiên tác động cụ thể đến hiện tượng nứt tường như thế nào thưa Ông?
Nước ta là nước có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời tiết hay biến đổi, nóng lạnh đan xen. Tường nhà cũng chịu tác động từ biết đổi nhiệt độ này, khi lạnh thì co vào, khi nóng sẽ dãn ra, từ sự co dãn đó dẫn tới các vết nứt trên tường.
Nếu nhà được thi công trong thời tiết nắng nóng gay gắt thì nước cũng bốc hơi nhanh hơn, Khi nước tại những vật liệu bị bốc hơi nhanh thì quá trình co dãn sẽ diễn ra sớm hơn từ đó dẫn đến hiện tượng rạn, nứt.Bên cạnh đó, một căn nhà dù có xây dựng kiên cố đến đâu cũng không tránh được sự xuống cấp ít nhiều khi sử dụng lâu năm. Những vết nứt do nhà xuống cấp cảnh báo nguy cơ mất an toàn rất lớn bởi vữa có thể rơi ra và bức tường có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Vậy còn yếu tố kỹ thuật thi công cụ thể như thế nào thưa Ông?
Nguyên nhân đầu tiên là do việc phân phối tỷ lệ không đúng yêu cầu kỹ thuật, vữa trát trộn quá ít hoặc quá nhiều cát, xi măng,… đều tạo ra sức kéo căng bề mặt khi khô từ đó vữa bị co ngót và dẫn đến hiện tượng nứt tường. Khi xây tường không phẳng, mạch vữa không được miết gọn và sạch làm cho lớp vữa trát không đều, chỗ dày, chỗ mỏng khi dưới tác động của thời gian và khí hậu, vữa co ngót cục bộ, nước mưa thẩm thấu vào gây nứt tường. Tường xây không chuẩn, mạch vữa không no (không đầy) làm cho nước bị thẩm thấu qua mạch vữa cũng gây nứt tường dù nhà còn mới.
Một nguyên nhân nữa là do không khảo sát kỹ địa hình xây dựng từ đó có những tính toán chưa hợp lý về khả năng chịu tải. Điều này sẽ khiến nhà bị sụt lún sau một thời gian sử dụng. Những vết nứt như thế này sẽ rất khó để khắc phục hoặc nếu có cũng chỉ mang tính tạm thời bởi nguyên nhân sâu xa là từ móng nhà không được giải quyết.
Vậy thưa Ông chúng ta sẽ khắc phục hiện tượng nứt tường này như thế nào?
Đối với các vết nứt nhỏ thì đây là trường hợp cơ bản và chúng chỉ nằm ở lớp vữa trát. Chúng ta có thể khắc phục như sau: đầu tiên đục lớp hồ cũ dọc theo rãnh khe nứt chân chim trên tường; làm vệ sinh sạch sẽ rồi tưới ẩm bằng nước sạch sau đó bịt lại bằng vữa già xi măng, cát mịn. Đợi 3 – 4 ngày rồi sơn hoàn thiện tường.
Trường hợp nếu là các vết nứt lớn thì chúng ta cần mở rộng miệng vết nứt và vệ sinh, tạo ẩm. Tiếp theo khoan lỗ, cắm kim bu lông chuyên dụng rồi bơm keo Flex, keo PU… từ dưới lên bằng máy bơm áp lực. Đợi keo khô thì cắt kim và trám kín bằng vữa sửa chữa Monos… sau đó làm phẳng và đợi khô thì sơn lại.
Đối với các vết nứt ở các vị trí nguy hiểm có khả năng nứt cao như chỗ tiếp giáp tường – cột, tường – đà, thâm chí ở các mép cửa, cửa sổ có thể tiến hành đặt một lưới thép để chống nứt do biến dạng hay co ngót. Kỹ thuật được tiến hành như sau: Đầu tiên tô một lớp hồ dầu (xi măng nguyên chất) thật mỏng đủ để giữ lên khu vực dự định đặt lưới thép. Sau đó đặt lưới thép lên khu vực vừa tô rồi tô thêm lớp hồ dầu mỏng phía trên. Cuối cùng là tiến hành tô tường bình thường.
Đối trường hợp nứt tường do sụt lún rất khó để giải quyết bởi nguyên nhân của vấn đề nằm ở móng và nền nhà. Khi nghi ngờ nguyên nhân này Gia chủ cần đánh cần đánh dấu lại các vết nứt rồi liên hệ đơn vị thi công hoặc gọi ngay đến hotline 0813.00.88.39 của VieHome để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.
Cám ơn Ông vì đã giải thích và tư vấn rất cụ thể và dễ hiểu. Ngoài những điều này Ông có lời khuyên nào cho các Chủ đầu tư hay không thưa Ông?
Có thể thấy việc sửa chữa và khắc phục hậu quả bao giờ cũng khó khăn và phức tạp. Ông bà ta có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì thế Chủ đầu tư nên tìm các nhà thầu uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm thi công chuẩn xác, đúng kỹ thuật ngay từ đầu. Như tại công ty VieHome chúng tôi, các đội trưởng đều có trên 10 năm kinh nghiệm, những công nhân trẻ sẽ luôn được hỗ trợ từ công nhân có nhiều kinh nghiệm hơn, đội ngũ giám sát theo từng công trình để hạn chế những vấn đề có thể xảy ra. Ngoài ra kỹ thuật thi công cần đảm bảo các tiêu chí sau:
– Vữa xây, trát phải đúng thiết kế cấp phối.
– Khi xây tường cần chú ý các cấu kiện phụ như Bổ trụ, giằng tường, sắt râu… phải đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật.
– Khi xây tường cần chú ý xây thật phẳng, mạch vữa phải đủ no và được miết gọn gàng, không được lồi ra ngoài.
– Tường sau khi xây, trát phải được tưới ẩm thường xuyên để duy trì độ ẩm cần thiết.
– Sau khi trát tường, nên để tối thiểu 4 ngày sau hãy tiến hành các công đoạn mastic hay sơn nước.
– Thi công bả, sơn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (độ ẩm tường, trình tự và thời gian cách khoảng giữa các lớp bả, sơn)
Cám ơn Ông và chúc Ông nhiều sức khoẻ và thành công cùng VieHome.